Monday, April 19, 2010

Nhớ về Tân Định






Nguyễn Ðạt/Người Việt

Mặt trước chợ Tân Ðịnh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Có vẻ như người ở phương xa nhớ về nơi chốn cũ, nhưng chúng tôi lại là cư dân Sài Gòn từ thuở nhỏ, tới nay tuổi đã ngoài sáu mươi vẫn sinh sống tại đây. Ðấy là tình cảm của chúng tôi với Tân Ðịnh, một vùng phố xá Sài Gòn, hàng ngày gặp mà vẫn nhớ thương như đã xa rời.

Ðường Hai Bà Trưng chạy ngang qua Tân Ðịnh. Phía xa bên phải là nhà thờ Tân Ðịnh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Sài Gòn vốn có những vùng mang riêng địa danh: Ða Kao, Hòa Hưng, Ngã Ba Ông Tạ, Bà Quẹo, Khánh Hội, Ngã Sáu Chợ Lớn, Ngã Bảy, Thị Nghè... Giữa những vùng có địa danh riêng đó, Tân Ðịnh nổi lên như một gương mặt sáng láng, thị thành nhất. Tân Ðịnh như một trung tâm của Sài thành, từng là “Hòn ngọc Viễn Ðông.” Ðường Hai Bà Trưng, phía bên Chợ Tân Ðịnh thuộc quận 1, phía đối diện có nhà thờ Tân Ðịnh, thuộc quận 3. Con đường Hai Bà Trưng xem như huyết mạch của vùng Tân Ðịnh, và khu vực Chợ Tân Ðịnh là trung tâm điểm của vùng phố thị này.

Tiệm thuốc Cam Hàng Bạc, di cư vào Nam thành Nhà thuốc Nhân Phong Ðường. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Trước 30 tháng 4, 1975, dọc dài hai mươi năm ở miền Nam tự do, người uống cà phê sành điệu chỉ tới Tân Ðịnh để mua cà phê hương vị Pháp: Jean Martin, Meilleur Gout. Phục sức của thanh niên đúng điệu, hợp thời trang, không thể thiếu đôi giày đặt làm ở Trinh'shoes trên đường Hai Bà Trưng. Sau bao biến thiên, vật đổi sao dời, tiệm giày Trinh'shoes đổi chủ, nay cũng là một tiệm giày thời trang, chìm lẫn trong vô số tiệm giày ở Sài Gòn. Thuốc “Cam Hàng Bạc-Hà Nội”, tức nhà thuốc Nhân Phong Ðường, nổi tiếng thuốc hay từ lúc ở Hà Nội, chữa trị sài đẹn cho trẻ em, di cư vào Sài Gòn năm 1954. Nhà thuốc đặt tại Tân Ðịnh, trên đường Hai Bà Trưng, gần khúc rẽ vào đường Yên Ðỗ - đường Lý Chính Thắng bây giờ. Ngôi nhà cũ xưa, mái ngói rêu phong bao nhiêu năm của nhà thuốc Nhân Phong Ðường, mới được xây dựng cao tầng, vừa hoàn thành chừng một tháng nay.

Rạp Văn Hoa từng quen thuộc với nhiều người dân Sài Gòn xưa và nay. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Ðọc một bài nhớ thương Tân Ðịnh của một người hải ngoại trên báo Internet, tác giả là cựu nữ sinh trường Marie Curie ở Sài Gòn, nhắc nhớ quán cà phê Thu Hương, cà phê Văn Hoa-Ða Kao, bánh xèo Ðinh Công Tráng, giò chả Phú Hương... của Tân Ðịnh. Quán cà phê Thu Hương, cả một thời thu hút đông đảo thanh niên nam nữ Sài Gòn, sau biến cố 30 tháng 4, quán cà phê mất tích này là một trong những nỗi tiếc nhớ của nhiều người. Từ đường Hiền Vương - đường Võ Thị Sáu bây giờ, rẽ vào đường Hai Bà Trưng vài trăm mét: quán Thu Hương, cùng phía nhà thờ Tân Ðịnh, với vườn cây rộng rãi sau hàng chắn song sắt thưa. Bây giờ đi qua đó, không ai hình dung được thuở trước có một quán cà phê dễ cảm, mà chỉ thấy những nhà cao tầng chen chúc hôm nay.

Góc nhọn mũi tàu ở đầu đường Trần Văn Thạch và Nguyễn Phi Khanh. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Rạp chiếu phim Văn Hoa, quán cà phê ở đó gọi là cà phê Văn Hoa, nay vẫn còn tại chỗ, trên đường Trần Quang Khải, sát khu Ða Kao, hiển nhiên chỉ khác là chủ mới, cà phê mang tên Cát Ðằng, trên lầu của tòa nhà rạp chiếu phim mang tên “Cinéma Văn Hoa.” Giò chả Phú Hương thuở trước thì nay cửa tiệm biến dạng, chia năm xẻ bảy, một căn nhà còn trưng biển hiệu Giò Chả Phú Hương, lại thấy nhiều tủ kính bày trên hè đường, phía trước cửa tiệm, một trong những tủ kính ấy ghi chữ lớn đậm: “Giò Chả Phú Hương chính hiệu.” Ðường Ðinh Công Tráng, con đường nhỏ hẹp, từ nhiều năm được xem như “con đường bánh xèo,” đưa bánh xèo lên làm đặc sản của vùng Tân Ðịnh, vẫn ngày ngày nhộn nhịp khách tới.

Một quán cóc đầu đường Bà Lê Chân, quen thuộc với tác giả. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Chúng tôi thường ngồi uống cà phê tại một quán cóc, bàn ghế bày ra vỉa hè ở khúc đầu đường Bà Lê Chân. Con đường này cũng nhỏ hẹp như đường Ðinh Công Tráng, nối từ đường Trần Quang Khải tới khu Chợ Tân Ðịnh. Chủ quán cóc duy nhất trên đường Bà Lê Chân là anh Thái Kỳ, thứ nam của cố họa sĩ Thái Tuấn - họa sĩ Thái Tuấn mất năm 2007, ở Tân Ðịnh. Con đường Bà Lê Chân mặc nhiên trở thành một nhánh đường của Chợ Tân Ðịnh, đông đảo bà con bán hàng trái cây, các thứ rau củ quả... dọc hai bên đường. Sinh thời, họa sĩ Thái Tuấn định cư tại Pháp, về Sài Gòn ở lâu dài, tới ngày mất. Hàng ngày họa sĩ Thái Tuấn ra ngồi ở quán cà phê của thứ nam. Ông nói, “Tôi thích ngồi ở đây ngó người đi Chợ Tân Ðịnh, nhiều lần gặp lại người thân quen từ bao nhiêu năm trước... Tôi đã sống ở vùng Tân Ðịnh này từ năm 1954 di cư vào Sài Gòn. Thuở thiếu niên, vào những năm 1930, tôi cũng đã vào ở Tân Ðịnh mấy năm, sau đó mới ra Hà Nội. Lúc đó, một người bạn tôi sinh ra tại đây, bảo rằng từ nhỏ đã thấy có Chợ Tân Ðịnh. Nghĩa là Chợ Tân Ðịnh ít nhất đã được lập nên từ những năm đầu thế kỷ hai mươi. Anh đã thấy cái hầm tránh bom của Nhật ở sát bên Chợ Tân Ðịnh không? Cái hầm rất kiên cố, tôi mới vào nhìn lại, thấy mấy gia đình trú ngụ trong đó...” Chúng tôi thì thường gặp người khách hàng Chợ Tân Ðịnh, chị Mộng Tuyền (ca sĩ, diễn viên cải lương) từ hải ngoại về, sáng sáng đi chợ, lần nào cũng ghé quán nói chuyện vui vẻ, nhận lời khen của dân Sài Gòn chúng tôi, “Buổi sáng nào vắng chị Mộng Tuyền đi ngang đây, con đường Bà Lê Chân bớt hẳn vẻ thắm tươi...”
Họa sĩ Thái Tuấn nói về mái-nhà-xưa của ông, sâu trong một ngõ hẻm đường Yên Ðỗ, “Sau lưng nhà tôi ở là Bến Tắm Ngựa, khu đất rộng, dốc thoai thoải xuống con kênh Nhiêu Lộc, chỗ tắm cho ngựa của các mã phu xe thổ mộ. Ðặc biệt, các anh tài xế Taxi Sài Gòn thường tụ tập ở khu đất này, chơi thảy 'boule' - trái bi sắt, trò chơi truyền thống của người Pháp. Ði dọc lên con kênh là gặp ngôi chùa Miên, rồi đến ngôi trường Ðại Học Vạn Hạnh lập nên sau đó, như anh đã biết từ lâu rồi.” Chúng tôi đã biết từ thuở các bác tài xế Taxi còn chơi thảy bi sắt, các bác xe thổ mộ tắm ngựa, có lẽ hình ảnh này chấm dứt vào khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Sài Gòn thưa thớt tới dần hết loại xe ngựa kéo.
Thời gian đó, chúng tôi cũng thường ghé Yễm Yễm Thư Quán ở đường Trần Văn Thạch - đường Nguyễn Hữu Cầu bây giờ - con đường phía sau Chợ Tân Ðịnh. Chúng tôi còn nhớ, những sách do Yễm Yễm Thư Quán xuất bản có hàng chữ tiêu đề: “Góp lại tự bốn phương / Tung ra khắp bốn phương.” Yễm Yễm Thư Quán mất tích, con đường Trần Văn Thạch nới rộng, mất đi vẻ xinh xắn cảm động của một con phố nhỏ. Tân Ðịnh còn một con phố nhỏ xinh xắn cảm động như vậy: đường Nguyễn Phi Khanh. Từ đường Trần Quang Khải mở ra như mũi tàu, hai bên sườn tàu là đường Trần Văn Thạch và đường Nguyễn Phi Khanh. Từ thuở trước, ở đầu kia của đường Nguyễn Phi Khanh có quán cà phê Thái Chi, quán nhỏ và rất sạch sẽ, chủ nhân rất khó tính, luôn cằn nhằn nhắc nhở nếu khách cẩu thả bừa bãi trong việc pha, uống cà phê. Quán không mang biển hiệu, khách gọi tên quán theo tên chủ nhân. Bà Thái Chi đã mất từ lâu, thân quyến của bà tiếp tục đứng bán. Về sau, một dãy quán cà phê cóc mọc lên, bàn ghế bày chật hai bên vỉa hè khúc đường này.
Khi họa sĩ Thái Tuấn, người họa sĩ sống với hoài niệm Sài Gòn - đặc biệt trong đó là Tân Ðịnh - đi về cõi thiên thu, chúng tôi lại càng nhớ về Tân Ðịnh.


No comments:

Post a Comment